Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid- 19, có rất nhiều người cao tuổi luôn lo lắng sức khoẻ và các biện pháp để chống chọi với đại dịch.
Bà Nguyễn Thị Hằng, 75 tuổi, ở thị trấn Lai Cách – Cẩm Giàng lo lắng nói: tôi tuổi cao lại mắc nhiều bệnh mãn tính, nên thường xuyên phải đi bệnh viện thăm khám lấy thuốc, hơn một năm nay tôi cũng không giám đi bệnh viện sợ lây nhiễm Covid – 19.
Ông Phạm Việt Cường, 78 tuổi ở phường Quang Trung – TP Hải Dương
cho biết: Từ khi đại dịch Covid – 19 xâm nhập vào địa bàn tỉnh tôi không dám ra ngoài tập thể dục, cũng chẳng giao lưu với ai, suốt ngày chỉ ở trong nhà nên buồn lắm, nhiều lúc rất căng thẳng mệt mỏi, không ngủ được vì cuộc sống chỉ gò bó trong bốn bức tường và chiếc ti vi.
Bên cạnh những nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người, thì người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, họ luôn lo lắng bởi tuổi cao, sức khoẻ yếu, nhiều bệnh tật… Vậy chúng ta cần làm gì để giúp người cao tuổi sống lạc quan hơn trước đại dịch?
Tiêm văc xin cho người cao tuổi tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Thạc sĩ , Hoàng Văn Huỳnh , Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệh tật tỉnh cho biết: Để có sức đề kháng chống mọi bệnh dịch, người cao tuổi cần quan tâm đến vệ sinh cá nhân, chế độ ăn uống khoa học, tích cực vận động và suy nghĩ lạc quan. Thay vì hoang mang lo lắng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, người cao tuổi hãy giữ vững tâm lý, bình tĩnh tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh, áp dụng chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục, đặc biệt luôn đảm bảo tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh. Tuân thủ hướng dẫn phòng dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế:
+ Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi ăn và sau khi ra khỏi nhà, đặc biệt khi tiếp xúc với nhiều người.
+ Tránh sờ tay chưa được rửa sạch lên mặt, mũi, miệng vì sẽ khiến virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
+ Đeo khẩu trang đúng cách khi ra khỏi nhà, không sờ lên mặt ngoài khẩu trang và không nên dùng một chiếc khẩu trang nhiều lần. Khẩu trang vải cần giặt sạch và phơi khô sau mỗi lần sử dụng.
+ Do người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu nên tuyệt đối tránh đến những nơi đông người và tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm. Khi ho hoặc hắt hơi, hãy che kín mũi, miệng bằng khăn tay, khăn giấy, khẩu trang hoặc khuỷu tay để bảo vệ sức khoẻ người xung quanh. Ngoài ra, người cao tuổi cần giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát và dùng quạt thay cho điều hòa. Nhà cửa nên thường xuyên vệ sinh, khử trùng, nhất là các nơi, bề mặt vật dụng tiếp xúc thường xuyên như phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, tay nắm cửa…
Người thân trong gia đình cũng phải làm theo các hướng dẫn trên để vừa bảo vệ bản thân mình, vừa bảo vệ cha mẹ cao tuổi.
+ Áp dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý: Uống đủ nước: cơ thể đủ nước sẽ giúp hệ bài tiết “hộ tống” các chất cặn bã ra bên ngoài, giúp cho hệ miễn dịch tiêu diệt những tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Bổ sung lượng vitamin và khoáng chất đầy đủ, chú ý xây dựng khẩu phần dinh dưỡng hợp lý, bao gồm nhiều loại rau xanh và trái cây để tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống nhiễm trùng, chống oxy hóa.
+ Đảm bảo giấc ngủ ngon và sâu, khi ngủ sâu, các cơ quan trong cơ thể như hệ thống miễn dịch sẽ bước vào giai đoạn nghỉ ngơi và hồi phục. Để tăng đề kháng để chống chọi với Covid-19. Đặc biệt thời gian vàng để ngủ sâu là từ 22h đêm đến 3h sáng hôm sau, lúc đó cơ thể tập trung nguồn lực để phục hồi, tái tạo hiệu quả và tối ưu các mô tế bào bị tổn thương và lão hóa.
+ Tăng cường vận động, người cao tuổi thường hay bị mệt mỏi nên ngại vận động. Đây là dấu hiệu bình thường khi cơ thể đã bước vào giai đoạn lão hoá. Để năng vận động, đôi khi cần có sự hỗ trợ, động viên từ người bạn đời, bạn bè hoặc từ con cháu. Hai hay nhiều người cùng tập luyện sẽ có thêm động lực và niềm vui. Quan trọng là phải lượng sức mình mà luyện tập. Mỗi ngày, người cao tuổi nên vận động cơ thể nhẹ nhàng 30 – 45 phút sẽ giúp cơ thể giải phóng năng lượng, xương khớp chắc khoẻ, dẻo dai, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
+ Thận trọng khi có bệnh mạn tính, bởi người cao tuổi khi có các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, huyết áp… sẽ dễ có nguy cơ lây nhiễm virus hơn. Những căn bệnh này khiến các hệ cơ quan giảm chức năng, hệ miễn dịch suy yếu, không đủ khỏe mạnh để phòng, chống lại các mầm bệnh khác.
+ Giữ tinh thần lạc quan và lối sống lành mạnh, nhiều nghiên cứu cho thấy, tâm lý lạc quan hay tình trạng căng thẳng đều có tác động không nhỏ đến hệ miễn dịch của con người, đặc biệt người cao tuổi. Người cao tuổi, nên thường xuyên trò chuyện với người thân để chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ. Con cháu cũng nên quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần của bố mẹ để các cụ lạc quan, yêu đời, từ đó có thể miễn nhiễm với nhiều bệnh.
Nguồn: http://soyte.haiduong.gov.vn/